Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Nghề Kế Toán

Kế toán là bộ phận không thể thiếu ở tất cả các đơn vị tổ chức. Vì vậy thị trường việc làm của nghề này rất rộng lớn. Nghề này đòi hỏi bạn phải trung thực, cẩn thận, năng động, sáng tạo...
Kế toán là gì?




Mỗi đơn vị, tổ chức trong xã hội đều phải có một lượng tài sản nhất định để tiến hành các hoạt động. Trong quá trình hoạt động, đơn vị thực hiện các hoạt động như: trả lương, mua hàng, bán hàng, sản xuất, vay vốn đầu tư... Các hoạt động đó gọi là hoạt động kinh tế tài chính.

Người quản lý của đơn vị cần thu nhận thông tin về chúng để giải quyết các câu hỏi: Sản xuất mặt hàng nào? Giá bán là bao nhiêu? Hoạt động của đơn vị có lãi hay không? Tài sản của đơn vị còn bao nhiêu?...

Kế toán sẽ cung cấp cho họ những câu trả lời đó thông qua các hoạt động:

- Thu nhận: Ghi chép lại các hoạt động kinh tế vào các chứng từ kế toán.
- Xử lý: Hệ thống hóa các thông tin từ chứng từ kế toán vào sổ sách kế toán.
- Cung cấp: Tổng hợp số liệu để lập các báo cáo kế toán.

Trên cơ sở các báo cáo kế toán mà người quản lý cũng như những người quan tâm đến hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị (người cho vay, ngân hàng, nhà đầu tư) đề ra các quyết định đúng đắn mang lại hiệu quả cao nhất.

Một nghề “xa mà… gần, gần… mà xa”, có thể nói về nghề này như thế! Gần là bởi mọi tổ chức đơn vị đều có bộ phận kế toán vì người quản lý trực tiếp ở đơn vị cũng như các cơ quan quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước đều phải cần đến các thông tin kế toán.


Các bạn chắc đã nghe nhiều tới những từ liên quan tới nghề này như: kế toán trưởng, chứng từ, sổ sách kế toán. Thế nhưng xa là vì thông tin về hoạt động kinh tế của đơn vị thường không thể nói cho nhiều người biết được thậm chí còn là những “bí mật kinh doanh”.

Những người làm kế toán thường không nói nhiều về công việc cụ thể của mình vì vậy họ thường bị coi là những người khô khan, kiệm lời. Thực tế không phải như vậy, bạn có thể thấy những người làm kế toán vui vẻ, trẻ trung như thế nào ở trang web ketoan.com.vn (một trang có tới gần 30.000 thành viên). Và họ đã tổ chức một hội nghề nghiệp của mình - “Hội kế toán” hay “Câu lạc bộ kế toán trưởng doanh nghiệp”.

Chọn nghề này, bạn sẽ làm việc ở đâu?

Kế toán là bộ phận không thể thiếu ở tất cả các đơn vị tổ chức. Vì vậy thị trường việc làm của nghề này rất rộng lớn. Hãy làm một phép tính nhỏ: Cho đến năm 2010, nước ta sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần từ 3-5 kế toán viên… Cơ hội việc làm quả là “mênh mông”.

Đó là chưa kể tới các loại hình đơn vị khác:
- Ngoài doanh nghiệp (các đơn vị hoạt động vì mục đích lợi nhuận như: Cty cổ phần, Cty TNHH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng, bảo hiểm...), bạn có thể làm việc ở các đơn vị công - các đơn vị hoạt động không vì lợi nhuận như: các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện…

- Xét theo đối tượng sử dụng thông tin, bạn có thể làm kế toán tài chính với mục đích cung cấp thông tin ra bên ngoài doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý nhà nước (thuế, thống kê, kế hoạch đầu tư); cho các nhà đầu tư, ngân hàng, cổ đông… hoặc làm kế toán quản trị để cung cấp các thông tin cho chính những người quản lý ở đơn vị bạn.

Ngoài ra, một lý do rất chính đáng mà bạn nên chọn nghề này đó là công việc ổn định và có thu nhập tốt.
Để làm nghề kế toán bạn cần những phẩm chất gì?



- Trung thực: Kế toán viên phải cung cấp các thông tin trung thực về hoạt động tài chính của đơn vị để đối tượng sử dụng thông tin đề ra quyết định đúng đắn.

Kế toán viên không trực tiếp thực hiện hoạt động đó nhưng phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin đúng đắn về nó giống như “Người viết sử không làm ra lịch sử, nhưng quyết không cho lịch sử bước qua đầu”.

- Cẩn thận: Nghề này luôn gắn liền với tài liệu, sổ sách, giấy tờ trong đó chứa đựng những con số “biết nói” về tình hình tài chính của đơn vị vì vậy kế toán viên phải cẩn thận trong việc giữ gìn tài liệu cũng như tính toán những con số để làm sao chúng “nói” đúng nhất với người sử dụng thông tin.

- Ngoài ra nghề này vẫn đòi hỏi có sự năng động, sáng tạo, có kiến thức tổng hợp để phân tích đánh giá tham mưu cho người sử dụng thông tin đề ra các quyết định đúng đắn.
Tuy nhiên, nếu bạn ưa bay nhảy, hoạt động giao tiếp rộng với cộng đồng thì cần suy nghĩ trước khi chọn nghề kế toán.

Rất nhiều trường mở rộng cửa với bạn yêu nghề kế toán
Các khối trường kinh tế đều đào tạo nghề này ở những mức độ khác nhau, tuy nhiên những cơ sở đào tạo hàng đầu mà bạn có thể lựa chọn là: Khoa Kế toán của Học viện Tài chính, khoa Kế toán - Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.


Thạc sĩ NGUYỄN VĨNH TUẤN
Giảng viên khoa Kế toán-Học viện Tài chính

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Tại sao bạn cần đến kiểm soát nội bộ?


 Công ty bạn có định hướng phát triển tốt, có chiến lược kinh doanh khôn khéo và bạn cũng có một đội ngũ nhân viên giỏi nghề. Thật tuyệt vời! Nhưng bạn có dám chắc rằng những ý tưởng của bạn sẽ được mọi người thực thi một cách hoàn hảo, nghĩa là đem lại hiệu quả và thành công như mong muốn?


Và điều quan trọng hơn cả là làm cách nào để ngăn chặn những việc làm gian dối, không minh bạch của nhân viên? Với tư cách là người chủ doanh nghiệp, bạn có cho rằng việc thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ là cần thiết?
Một thực trạng khá phổ biến hiện nay là phương pháp quản lý của nhiều công ty còn lỏng lẻo, khi các công ty nhỏ được quản lý theo kiểu gia đình, còn những công ty lớn lại phân quyền điều hành cho cấp dưới mà thiếu sự kiểm tra đầy đủ. Cả hai mô hình này đều dựa trên sự tin tưởng cá nhân và thiếu những quy chế thông tin, kiểm tra chéo giữa các bộ phận để phòng ngừa gian lận.


Thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ chính là xác lập một cơ chế giám sát mà ở đó bạn không quản lý bằng lòng tin, mà bằng những quy định rõ ràng nhằm:
- Giảm bớt nguy cơ rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh (sai sót vô tình gây thiệt hại, các rủi ro làm chậm kế hoạch, tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm...),
- Bảo vệ tài sản khỏi bị hư hỏng, mất mát, hao hụt, gian lận, lừa gạt, trộm cắp…
- Đảm bảo tính chính xác của các số liệu kế toán và báo cáo tài chính,
- Đảm bảo mọi thành viên tuân thủ nội quy của công ty cũng như các quy định của luật pháp,
- Đảm bảo sử dụng tối ưu các nguồn lực và đạt được mục tiêu đặt ra,
- Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông và gây dựng lòng tin đối với họ.
Chúng tôi sẽ giúp công ty bạn xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hoàn chỉnh nhằm bảo đảm thực hiện một cách tốt nhất các yếu tố trên


Triệu Hoàng Tình
HP: 01656.872.079
TP.Kinh Doanh AIC-Vietnam

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Nghề “Cao cấp” nhất Việt Nam

Bốn nghề này hiện đang được coi là quan trọng nhất ở Việt Nam mà mọi doanh nghiệp đều cần có. Chúng đều là những nghề đòi hỏi phải có năng khiếu và có khả năng… hái ra tiền. 

1. Nghề quản trị (CEO - Chief Excutive Officer)

Vai trò của nhà quản trị là định ra các mục tiêu, tổ chức, động viên, khuyến khích và truyền đạt thông tin, đánh giá hiệu quả và phát triển con người. Đóng góp “duy nhất” của nhà quản trị với doanh nghiệp là tầm nhìn chiến lược. Đây là vị trí mà các doanh nghiệp “khát khao” nhất nhưng đồng thời cũng là vị trí khó tuyển dụng nhất.

Hiện nay, cả nước có khoảng gần 200.000 doanh nghiệp. Nếu mỗi doanh nghiệp cần tối thiểu khoảng 6 CEO có nghĩa là VN đang cần gấp 1,2 triệu CEO. Và trên thực tế, con số này cao hơn rất nhiều lần. Theo Vietnamworks.com, khó khăn lớn nhất của thị trường lao động vẫn là mảng nhân sự cấp cao. 

2. Quản lý tài chính (CFO - Chief Financial Officer)
Được mệnh danh là cánh tay phải của các CEO, CFO đóng vai trò như một bác sĩ chuyên “khám bệnh”, “kê đơn” và “bốc thuốc” về tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay con số CFO người VN thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Theo ông Hòa An, Giám đốc Công ty Phát triển nhân lực AQL thì một CFO không chỉ phải tốt nghiệp đại học hay cao học mà còn phải có kinh nghiệm được quốc tế công nhận. Đặc biệt, một trong những yếu tố không thể thiếu của CFO là đầu óc phân tích, khả năng đọc số liệu nhạy bén, khả năng làm việc trên hệ thống và khả năng kinh doanh để hỗ trợ giám đốc.

3. Quản lý nhân sự (HRM - Human Resource Managament)


 Làm thế nào để các nhân viên làm việc hăng hái và chăm chỉ hơn? Làm thế nào để tuyển dụng đúng người cần thiết cho một vị trí? Hay khó hơn nữa là đề ra các kế hoạch về nhân sự của công ty hoặc doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới? Tất cả những câu hỏi đó đều có thể trả lời không quá khó khăn nếu doanh nghiệp có một HRM chuyên nghiệp.

Cũng giống như CEO, HRM đóng vai trò hỗ trợ và cố vấn cho các CEO nhưng là trong lĩnh vực con người. Và nếu như CFO được mệnh danh là cánh tay phải thì HRM chính là cánh tay trái của CEO. HRM thậm chí còn khan hiếm hơn CFO vì ở VN hiện chưa có trường lớp nào đào tạo về lĩnh vực này.

4. Marketing
Nếu thiếu bộ phận này, không hiểu doanh nghiệp sẽ bán hàng như thế nào. Trong xu thế ngày nay, Marketing đã trở thành một trung tâm thông tin của CEO, với nhiệm vụ thu thập, phân tích, theo dõi, kiểm soát các hoạt động bán hàng hóa, sản phẩm dịch vụ. 

 Đây thực sự là “la bàn” của doanh nghiệp trong các quyết sách về sản xuất, bán hàng và nắm vững thông tin về thị trường cũng như kìm hãm các đối thủ cạnh tranh ở tầm chiến lược và chiến thuật. Ngoài ta, quảng cáo và thiết lập kênh phân phối cũng là một nhiệm vụ quan trọng của nghề Marketing. 

Có thể nói, nếu CEO là cái đầu, CFO và HRM là hai cánh tay thì Marketing chính là đôi chân. Thiếu đôi chân này, doanh nghiệp sẽ đi lại thế nào? Hiện nay, Marketing luôn là một trong những nghề “hot” nhất trên các trang tuyển dụng.


Triệu Hoàng Tình
HP: 01656.872.079

TP.Kinh Doanh AIC-Vietnam
(Sưu Tầm)