Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Nghề Kế Toán

Kế toán là bộ phận không thể thiếu ở tất cả các đơn vị tổ chức. Vì vậy thị trường việc làm của nghề này rất rộng lớn. Nghề này đòi hỏi bạn phải trung thực, cẩn thận, năng động, sáng tạo...
Kế toán là gì?




Mỗi đơn vị, tổ chức trong xã hội đều phải có một lượng tài sản nhất định để tiến hành các hoạt động. Trong quá trình hoạt động, đơn vị thực hiện các hoạt động như: trả lương, mua hàng, bán hàng, sản xuất, vay vốn đầu tư... Các hoạt động đó gọi là hoạt động kinh tế tài chính.

Người quản lý của đơn vị cần thu nhận thông tin về chúng để giải quyết các câu hỏi: Sản xuất mặt hàng nào? Giá bán là bao nhiêu? Hoạt động của đơn vị có lãi hay không? Tài sản của đơn vị còn bao nhiêu?...

Kế toán sẽ cung cấp cho họ những câu trả lời đó thông qua các hoạt động:

- Thu nhận: Ghi chép lại các hoạt động kinh tế vào các chứng từ kế toán.
- Xử lý: Hệ thống hóa các thông tin từ chứng từ kế toán vào sổ sách kế toán.
- Cung cấp: Tổng hợp số liệu để lập các báo cáo kế toán.

Trên cơ sở các báo cáo kế toán mà người quản lý cũng như những người quan tâm đến hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị (người cho vay, ngân hàng, nhà đầu tư) đề ra các quyết định đúng đắn mang lại hiệu quả cao nhất.

Một nghề “xa mà… gần, gần… mà xa”, có thể nói về nghề này như thế! Gần là bởi mọi tổ chức đơn vị đều có bộ phận kế toán vì người quản lý trực tiếp ở đơn vị cũng như các cơ quan quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước đều phải cần đến các thông tin kế toán.


Các bạn chắc đã nghe nhiều tới những từ liên quan tới nghề này như: kế toán trưởng, chứng từ, sổ sách kế toán. Thế nhưng xa là vì thông tin về hoạt động kinh tế của đơn vị thường không thể nói cho nhiều người biết được thậm chí còn là những “bí mật kinh doanh”.

Những người làm kế toán thường không nói nhiều về công việc cụ thể của mình vì vậy họ thường bị coi là những người khô khan, kiệm lời. Thực tế không phải như vậy, bạn có thể thấy những người làm kế toán vui vẻ, trẻ trung như thế nào ở trang web ketoan.com.vn (một trang có tới gần 30.000 thành viên). Và họ đã tổ chức một hội nghề nghiệp của mình - “Hội kế toán” hay “Câu lạc bộ kế toán trưởng doanh nghiệp”.

Chọn nghề này, bạn sẽ làm việc ở đâu?

Kế toán là bộ phận không thể thiếu ở tất cả các đơn vị tổ chức. Vì vậy thị trường việc làm của nghề này rất rộng lớn. Hãy làm một phép tính nhỏ: Cho đến năm 2010, nước ta sẽ có khoảng 500.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần từ 3-5 kế toán viên… Cơ hội việc làm quả là “mênh mông”.

Đó là chưa kể tới các loại hình đơn vị khác:
- Ngoài doanh nghiệp (các đơn vị hoạt động vì mục đích lợi nhuận như: Cty cổ phần, Cty TNHH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng, bảo hiểm...), bạn có thể làm việc ở các đơn vị công - các đơn vị hoạt động không vì lợi nhuận như: các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện…

- Xét theo đối tượng sử dụng thông tin, bạn có thể làm kế toán tài chính với mục đích cung cấp thông tin ra bên ngoài doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý nhà nước (thuế, thống kê, kế hoạch đầu tư); cho các nhà đầu tư, ngân hàng, cổ đông… hoặc làm kế toán quản trị để cung cấp các thông tin cho chính những người quản lý ở đơn vị bạn.

Ngoài ra, một lý do rất chính đáng mà bạn nên chọn nghề này đó là công việc ổn định và có thu nhập tốt.
Để làm nghề kế toán bạn cần những phẩm chất gì?



- Trung thực: Kế toán viên phải cung cấp các thông tin trung thực về hoạt động tài chính của đơn vị để đối tượng sử dụng thông tin đề ra quyết định đúng đắn.

Kế toán viên không trực tiếp thực hiện hoạt động đó nhưng phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin đúng đắn về nó giống như “Người viết sử không làm ra lịch sử, nhưng quyết không cho lịch sử bước qua đầu”.

- Cẩn thận: Nghề này luôn gắn liền với tài liệu, sổ sách, giấy tờ trong đó chứa đựng những con số “biết nói” về tình hình tài chính của đơn vị vì vậy kế toán viên phải cẩn thận trong việc giữ gìn tài liệu cũng như tính toán những con số để làm sao chúng “nói” đúng nhất với người sử dụng thông tin.

- Ngoài ra nghề này vẫn đòi hỏi có sự năng động, sáng tạo, có kiến thức tổng hợp để phân tích đánh giá tham mưu cho người sử dụng thông tin đề ra các quyết định đúng đắn.
Tuy nhiên, nếu bạn ưa bay nhảy, hoạt động giao tiếp rộng với cộng đồng thì cần suy nghĩ trước khi chọn nghề kế toán.

Rất nhiều trường mở rộng cửa với bạn yêu nghề kế toán
Các khối trường kinh tế đều đào tạo nghề này ở những mức độ khác nhau, tuy nhiên những cơ sở đào tạo hàng đầu mà bạn có thể lựa chọn là: Khoa Kế toán của Học viện Tài chính, khoa Kế toán - Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.


Thạc sĩ NGUYỄN VĨNH TUẤN
Giảng viên khoa Kế toán-Học viện Tài chính

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Tại sao bạn cần đến kiểm soát nội bộ?


 Công ty bạn có định hướng phát triển tốt, có chiến lược kinh doanh khôn khéo và bạn cũng có một đội ngũ nhân viên giỏi nghề. Thật tuyệt vời! Nhưng bạn có dám chắc rằng những ý tưởng của bạn sẽ được mọi người thực thi một cách hoàn hảo, nghĩa là đem lại hiệu quả và thành công như mong muốn?


Và điều quan trọng hơn cả là làm cách nào để ngăn chặn những việc làm gian dối, không minh bạch của nhân viên? Với tư cách là người chủ doanh nghiệp, bạn có cho rằng việc thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ là cần thiết?
Một thực trạng khá phổ biến hiện nay là phương pháp quản lý của nhiều công ty còn lỏng lẻo, khi các công ty nhỏ được quản lý theo kiểu gia đình, còn những công ty lớn lại phân quyền điều hành cho cấp dưới mà thiếu sự kiểm tra đầy đủ. Cả hai mô hình này đều dựa trên sự tin tưởng cá nhân và thiếu những quy chế thông tin, kiểm tra chéo giữa các bộ phận để phòng ngừa gian lận.


Thiết lập một hệ thống kiểm soát nội bộ chính là xác lập một cơ chế giám sát mà ở đó bạn không quản lý bằng lòng tin, mà bằng những quy định rõ ràng nhằm:
- Giảm bớt nguy cơ rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh (sai sót vô tình gây thiệt hại, các rủi ro làm chậm kế hoạch, tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm...),
- Bảo vệ tài sản khỏi bị hư hỏng, mất mát, hao hụt, gian lận, lừa gạt, trộm cắp…
- Đảm bảo tính chính xác của các số liệu kế toán và báo cáo tài chính,
- Đảm bảo mọi thành viên tuân thủ nội quy của công ty cũng như các quy định của luật pháp,
- Đảm bảo sử dụng tối ưu các nguồn lực và đạt được mục tiêu đặt ra,
- Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông và gây dựng lòng tin đối với họ.
Chúng tôi sẽ giúp công ty bạn xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hoàn chỉnh nhằm bảo đảm thực hiện một cách tốt nhất các yếu tố trên


Triệu Hoàng Tình
HP: 01656.872.079
TP.Kinh Doanh AIC-Vietnam

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Nghề “Cao cấp” nhất Việt Nam

Bốn nghề này hiện đang được coi là quan trọng nhất ở Việt Nam mà mọi doanh nghiệp đều cần có. Chúng đều là những nghề đòi hỏi phải có năng khiếu và có khả năng… hái ra tiền. 

1. Nghề quản trị (CEO - Chief Excutive Officer)

Vai trò của nhà quản trị là định ra các mục tiêu, tổ chức, động viên, khuyến khích và truyền đạt thông tin, đánh giá hiệu quả và phát triển con người. Đóng góp “duy nhất” của nhà quản trị với doanh nghiệp là tầm nhìn chiến lược. Đây là vị trí mà các doanh nghiệp “khát khao” nhất nhưng đồng thời cũng là vị trí khó tuyển dụng nhất.

Hiện nay, cả nước có khoảng gần 200.000 doanh nghiệp. Nếu mỗi doanh nghiệp cần tối thiểu khoảng 6 CEO có nghĩa là VN đang cần gấp 1,2 triệu CEO. Và trên thực tế, con số này cao hơn rất nhiều lần. Theo Vietnamworks.com, khó khăn lớn nhất của thị trường lao động vẫn là mảng nhân sự cấp cao. 

2. Quản lý tài chính (CFO - Chief Financial Officer)
Được mệnh danh là cánh tay phải của các CEO, CFO đóng vai trò như một bác sĩ chuyên “khám bệnh”, “kê đơn” và “bốc thuốc” về tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay con số CFO người VN thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Theo ông Hòa An, Giám đốc Công ty Phát triển nhân lực AQL thì một CFO không chỉ phải tốt nghiệp đại học hay cao học mà còn phải có kinh nghiệm được quốc tế công nhận. Đặc biệt, một trong những yếu tố không thể thiếu của CFO là đầu óc phân tích, khả năng đọc số liệu nhạy bén, khả năng làm việc trên hệ thống và khả năng kinh doanh để hỗ trợ giám đốc.

3. Quản lý nhân sự (HRM - Human Resource Managament)


 Làm thế nào để các nhân viên làm việc hăng hái và chăm chỉ hơn? Làm thế nào để tuyển dụng đúng người cần thiết cho một vị trí? Hay khó hơn nữa là đề ra các kế hoạch về nhân sự của công ty hoặc doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới? Tất cả những câu hỏi đó đều có thể trả lời không quá khó khăn nếu doanh nghiệp có một HRM chuyên nghiệp.

Cũng giống như CEO, HRM đóng vai trò hỗ trợ và cố vấn cho các CEO nhưng là trong lĩnh vực con người. Và nếu như CFO được mệnh danh là cánh tay phải thì HRM chính là cánh tay trái của CEO. HRM thậm chí còn khan hiếm hơn CFO vì ở VN hiện chưa có trường lớp nào đào tạo về lĩnh vực này.

4. Marketing
Nếu thiếu bộ phận này, không hiểu doanh nghiệp sẽ bán hàng như thế nào. Trong xu thế ngày nay, Marketing đã trở thành một trung tâm thông tin của CEO, với nhiệm vụ thu thập, phân tích, theo dõi, kiểm soát các hoạt động bán hàng hóa, sản phẩm dịch vụ. 

 Đây thực sự là “la bàn” của doanh nghiệp trong các quyết sách về sản xuất, bán hàng và nắm vững thông tin về thị trường cũng như kìm hãm các đối thủ cạnh tranh ở tầm chiến lược và chiến thuật. Ngoài ta, quảng cáo và thiết lập kênh phân phối cũng là một nhiệm vụ quan trọng của nghề Marketing. 

Có thể nói, nếu CEO là cái đầu, CFO và HRM là hai cánh tay thì Marketing chính là đôi chân. Thiếu đôi chân này, doanh nghiệp sẽ đi lại thế nào? Hiện nay, Marketing luôn là một trong những nghề “hot” nhất trên các trang tuyển dụng.


Triệu Hoàng Tình
HP: 01656.872.079

TP.Kinh Doanh AIC-Vietnam
(Sưu Tầm)

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

7 LỜI KHUYÊN KHI CHỌN MUA PHẦN MỀM KẾ TOÁN


Trên thị trường luôn có rất nhiều phần mềm kế toán khác nhau để bạn lựa chọn. Thế nhưng bạn lại băn khoăn không biết phần mềm nào sẽ thích hợp nhất với công ty. Câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu kinh doanh của bạn. 

Các phần mềm kế toán luôn là công cụ hiệu quả nhất để kiểm soát và duy trì hoạt động cho “bộ não tài chính” của công ty, bởi chúng được sử dụng để phục vụ các nhu cầu quản lý kế toán như báo cáo công nợ khách hàng chi tiết và chính xác, báo cáo số lượng hàng hóa nhập - xuất - tồn kho, liệt kê danh sách khách hàng và các mối quan hệ với công ty… 




Có hai loại chính của phần mềm kế toánPhần mềm chung và Phần mềm chuyên biệt cho từng ngành. Những phần mềm kế toán được thiết kế chuyên biệt cho từng ngành, từng lĩnh vực kinh doanh sẽ cung cấp nhiều đặc điểm, tính năng cụ thể hơn, song mức giá sẽ cao hơn nhiều, chưa kể dịch vụ trợ giúp sau bán hàng cũng sẽ khó khăn hơn. 

Những phần mềm kế toán chung thường là lựa chọn tốt nhất đối với các chủ doanh nghiệp, bởi vì họ có thể tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào khi gói dịch vụ thường rẻ hơn, dễ sử dụng và dịch vụ hậu mãi cũng đa dạng hơn.

Muốn lựa chọn gói phần mềm kế toán phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của mình, bạn nên quan tâm tới 7 yếu tố sau đây:

1. Quy mô kinh doanh. 
Một công ty có doanh số bán hàng 50.000 USD/năm sẽ có những nhu cầu hoàn toàn khác so với công ty có doanh thu nhiều triệu USD. Nếu chỉ là một công ty quy mô nhỏ, bạn đừng đổ quá nhiều tiền để mua một phần mềm kế toán hiện đại, có nhiều tính năng đa dạng, bởi vì bạn sẽ chỉ nhận được nhiều điều phức tạp hơn nhu cầu thực tế của mình

2. Ngành công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh. 
Bạn kinh doanh trong lĩnh vực, ngành công nghiệp nào? Một vài ngành công nghiệp có những phần mềm chuyên biệt mà bạn có thể cần đến, do nó được thiết kế phù hợp với những nhu cầu cụ thể của công ty. Trong phần lớn các trường hợp, một phần mềm chuyên biệt theo ngành nghề có thể sẽ đắt hơn, nhưng các lợi ích có được sẽ bù đắp chi phí bỏ ra, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi mua bất cứ phần mềm kế toán nào.

3. Các thành phần bạn cần.
  Bạn mong muốn những thành phần nào trong phần mềm kế toán? Một vài phần mềm rất cơ bản, có những tính năng lưu giữ, tính toán sổ sách đơn giản; trong khi có những phần mềm bao gồm thêm nhiều tính năng khác như tính toán ngân quỹ, hoá đơn, giao diện ngân hàng trực tuyến, xử lý thẻ tín dụng... 

Thậm chí có phần mềm còn phân tích được sự dao động giá cả và các yếu tố ảnh hưởng đến sự dao động này, từ đó giúp bạn có được cái nhìn cụ thể hơn về sự biến động của thị trường, hỗ trợ bạn ra quyết định chính xác khi cùng một mặt hàng nên mua của đối tác nào, vào thời điểm nào thích hợp.

4. Dịch vụ trợ giúp sau bán hàng. 
Việc mua sắm phầm mềm chỉ là bước đi đầu tiên trong một quy trình tổng thể. Điều cần lưu ý là bạn phải nhận được một dịch vụ trợ giúp sau bán hàng hiệu quả, bao gồm nhiều tư vấn chuyên môn, trợ giúp trực tuyến, trợ giúp qua điện thoại, đào tạo...

5. Các nguồn lực tài chính.
Bạn có những nguồn lực tài chính nào để đầu tư cho phần mềm kế toán? Mỗi khoản đầu tư của bạn trong hoạt động kinh doanh đều cần đến sự phân tích chi phí - lợi nhuận nhất định. Khi nghiên cứu để lựa chọn phần mềm kế toán thích hợp nhất với công ty bạn, hãy cân nhắc xem phần mềm nào đem lại nhiều lợi ích tốt nhất so với số vốn đầu tư mà bạn sẵn sàng bỏ ra.

6. Những lời giới thiệu, tiến cử chuyên nghiệp. 
Hãy tham khảo ý kiến của các nhân viên kế toán trong công ty khi lựa chọn phần mềm kế toán, bởi vì họ là một trong những nguồn lực chính mà bạn sẽ phải trông cậy vào trong suốt thời gian cài đặt và sử dụng phần mềm đó. Hơn nữa, nhân viên kế toán của bạn nên xác nhận phần mềm kế toán bạn dự định mua là đáng tin cậy và đảm bảo việc quản lý dữ liệu tài chính được hiệu quả nhất. Điều quan trọng là nhân viên kế toán phần mềm kế toán phải phối kết hợp hiệu quả với nhau để góp phần vào thành công chung của công ty bạn.

7. Dễ dàng sử dụng. 
Đây là yếu tố này thường bị các công ty bỏ qua khi lựa chọn phần mềm kế toán, nhưng đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất để phần mềm kế toán phát huy hiệu quả tối đa. Cho dù phần mềm kế toán có nhiều đa chức năng thiết thực, hay giá thành rẻ, song nếu nó quá cồng kềnh hay khó sử dụng, thì bạn cũng không nên mua. 

Đừng quá nhiệt tình với việc mua sắm các gói phần mềm cung cấp thêm nhiều tính năng mà công ty bạn không thật sự cần đến, chẳng hạn như tính năng liên kết với các thiết bị hỗ trợ như thiết bị in barcode, máy scan mã vạch, máy in hoá đơn thanh toán và các báo biểu. Hãy đảm bảo rằng phần mềm bạn mua phải đơn giản, có trọng điểm và liên quan mật thiết với những nhu cầu kinh doanh của bạn. Bên cạnh đó, bạn nên tìm kiếm những phần mềm có giao diện dễ hiểu và có khả năng cập nhập khi hoạt động kinh doanh của công ty tăng trưởng.

Tổng kết 
Bảy nhân tố trên phải được “thuộc lòng” khi bạn tiến hành mua sắm một phần mềm tài chính kế toán cho công ty. Hãy nhớ rằng, việc có một công cụ thích hợp trợ giúp bạn trong các hoạt động quản lý kinh doanh là rất quan trọng, đồng thời chi phí không nên được xem là nhân tố hàng đầu khi lựa chọn phần mềm kế toán.

Lời khuyên cuối cùng:
Bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy thất vọng với bất cứ phần mềm mới nào, vì vậy, hãy cẩn thận khi lựa chọn phần mềm đó và nên nhớ lại tất cả những lời khuyên ở trên để sửa chữa sai lầm. Điều đó sẽ giúp bạn có một hệ thống tài chính có tổ chức, cung cấp cho bạn những số liệu tài chính có chất lượng để thực thi một cách hiệu quả kế hoạch phát triển kinh doanh.




Triệu Hoàng Tình
TP. Kinh Doanh AIC - Vietnam
HP: 01656.872.079